Mượn lời doanh nhân Matsushita Konosuke – nhà sáng lập Panasonic và được ví như một người Nhật Bản ‘khổng lồ’, Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn nhắn gửi đến các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tham dự hội thảo về triển vọng phát triển sản xuất ngành hàng rong biển trong thời gian tới cần tư duy mở, “không nên suy nghĩ trên lập trường riêng tư mà phải thường xuyên suy nghĩ, đánh giá dựa trên quan điểm việc làm này sẽ đem lại kết quả tốt hay gây tổn thất cho đời sống cộng đồng”.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, doanh nghiệp sản xuất giống, nuôi trồng rong biển từ Nha Trang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hiệp hội Ngư nghiệp,.. Hội thảo lắng nghe báo cáo về tình hình nuôi trồng rong biển Việt Nam, đánh giá tiềm năng, lợi thế, thuận lợi và khó khăn và đặc biệt là đề xuất giải pháp để phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, có thể khẳng định sản xuất rong biển là một ngành đầu tư thấp, có lợi cho môi trường và tạo ra sinh kế cho người nghèo. Rong biển có nhiều giá trị và lợi ích về dinh dưỡng, là thực phẩm giàu khoáng chất và các nguyên tố vi lượng; rong biển có thể sản xuất nhiên liệu sinh học, mỹ phẩm, nhựa sinh học; rong biển có thể làm dược liệu, thực phẩm chức năng nhờ đặc tính chống viêm và chống ô-xy hóa; rong biển cũng được chứng minh có khả năng hấp thụ các-bo-nic, ni-tơ, phốt-pho hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm a-xít hóa đại dương; rong biển giúp tạo sinh kế, thu nhập cho cộng đồng người dân ven biển; rong biển có thể làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón giúp kích thích tăng trưởng, giảm khí mê-tan trong chất thải động vật.

Trên thế giới, sản lượng rong biển trong giai đoạn 2015 – 2020 tăng nhanh, đạt trên 35 triệu tấn. Rong biển nuôi trồng chiếm tỉ trọng lớn nhất tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippin,… Có khoảng trên 200 loài rong có thể sản xuất thương mại, trong đó trồng chính có khoảng 27 loài mang lại giá trị thương mại khoảng 8,3 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, hiện nay ngành hàng rong biển phát triển tập trung ở vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung Bộ, so với tiềm năng và lợi thế trên 800 loài rong biển tự nhiên, 88 loài kinh tế, song chỉ có 3 nhóm chính được trồng là rong sụn, rong câu và rong nho. Đến năm 2023, diện tích trồng rong vào khoảng 16.500 ha, trong số 900.000 ha có tiềm năng phát triển trồng rong, sản lượng 150.000 tấn mỗi năm.
Bên cạnh một số thách thức như chất lượng giống không đảm bảo, cạnh tranh diện tích, thông tin về quy chuẩn tiêu chuẩn, ứng dụng KHCN, thị trường và lợi nhuận. Tuy nhiên, ngành rong biển cũng cho thấy nhiều cơ hội trong bối cảnh hướng tới nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải, sử dụng dược mỹ phẩm có nguyên liệu từ rong biển, khả năng hấp thụ CO2 gấp 5 lần thực vật trên cạn, sản xuất sản phẩm xanh năng lượng sạch,…
Định hướng phát triển nuôi biển, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình phát biển sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.
Ông Nguyễn Quang Duy – Công ty CP Rong biển D&T Khánh Hòa (DT Group) Công ty Rong biển Khánh Hòa bày tỏ tâm huyết đối với ngành sản xuất rong biển. Việt Nam có lợi thế rất lớn về vùng biển duyên hải miền trung, thiên nhiên ban tặng cho chúng ta giá trị lớn về mặt dinh dưỡng, phù hợp với ngành nuôi rong biển. đề xuất: thực hiện truy xuất nguồn gốc với mặt hàng rong nho, tập trung quảng bá (Tiktok của Trung Quốc) giúp bà con tìm kiếm khách hàng trực tiếp, xttm trong và ngoài nước có hiệu quả,…
Ông Lê Đình Thám – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Rau quả Việt Xô, Hải Phòng kiến nghị cải tạo giống rong câu để có hàm lượng aga cao hơn, đạt trình độ chế biến rau câu tiên tiến trên thế giới. Kiến nghị Bộ và các nhà khoa học có đề tài khoa học bài bản nhằm cải tạo giống rong câu của Việt Nam.
Là người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất giống rong, ông Phương tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vào tốp 10 nước sản xuất rong biển lớn nhất thế giới trong vòng 3 năm tới. Lý do là trong vòng một năm qua Cục Thủy sản đã thiết lập được mối liên hệ giữa các nhà sản xuất giống với các nhà sản xuất chế biến và xuất khẩu rong biển trên phạm vi cả nước.
Ông Phương nhất trí cao với ý kiến của Bộ trưởng là mấu chốt của vấn đề nằm ở khâu tổ chức sản xuất, cần phải có hiệp hội, không thể tình trạng phân mảnh tiếp diễn. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân cần làm đầu tàu đưa chính sách, mô hình thành công để lan tỏa đến người dân. Mọi người phải tuân theo quy định chung và cùng vì mục đích chung. Phương pháp xen canh cũng đóng vai trò quan trọng, có thể nuôi cùng bào ngư mang lại lợi ích kinh tế cao.
Tiến sĩ Manta là người khoa học ngành rong biển, đem giống rong đến Việt Nam, công nghệ từng thành công ở Mỹ đến ứng dụng tại Việt Nam. Rong biển mang lại lợi ích cho toàn bộ hệ sinh thái biển và tạo ra môi trường phát triển bền vững, là nơi phát triển loại thủy hải sản khác. Đi từ lưu giữ nguồn giống đến công đoạn cuối cùng là chế biến nhiều loại sản phẩm từ rong biển khác nhau. Khác với Indo và Philippin có nhiều đảo, vùng vịnh kín nên để ngành rong biển thành công ở Việt Nam cần công nghệ đưa ra vùng biển sâu.
Đại diện doanh nghiệp nuôi trồng rong sụn tại Quảng Ninh cho rằng nên đẩy mạnh hướng đi phát triển sản phẩm rong gắn với du lịch trải nghiệm với giá trị to lớn của nó mang lại. Để thực hiện chuỗi rong đơn thuần gần như thất bại, bà con không có công nghệ, để hiệu quả phải xen canh và kết hợp với du lịch. Thiếu thông tin về ngành rong sụn và truyền thông nên sự phối hợp của địa phương với doanh nghiệp giống và nuôi trồng chưa tốt. Cần xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam cho ngành hàng rong biển, cũng quy hoạch chi tiết cho nuôi trồng rong biển.
Một lần nữa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ý nghĩa của buổi hội thảo nhằm mục đích khởi tạo không gian giá trị mới cho một ngành hàng khi thấy giá trị trực tiếp và gián tiếp của ngành hàng rong biển.
“Bắt đầu từ ngày hôm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chiến lược để đưa rong biển thành một nền kinh tế biển, ước tạo ra 10 triệu việc làm cho người ngư dân”, Bộ trưởng nói.